Bia "Côn Sơn Tư Phúc tự bi" Chùa Côn Sơn

Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi
崑山資福寺碑
Bảo vật quốc gia số 14, đợt 6
Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi
Chất liệuĐá Kính Chủ
Chiều cao1,2m
Chiều rộng32cm
Hệ chữ viếtChữ Hán
Niên đại1607
Thời kỳ/Văn hóaNhà Lê trung hưng

Bia "Côn Sơn Tư Phúc tự bi" là dạng bia lục giác rất hiếm gặp ở Việt Nam, được tạo tác trong đợt đại trùng tu chùa Côn Sơn ở thế kỷ XVII. Đây là tấm bia quý, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, mỹ thuật đặc sắc.[32][33] Bia được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2017.[34]

Lịch sử

Bia "Côn Sơn Tư Phúc tự bi" được dựng vào năm Hoằng Định thứ 8 (1670) đời vua Lê Kính Tông, do Nguyễn Đức Minh soạn, Tạ Tuấn viết chữ, Lê Liễu người xã Kính Chủ khắc bia. Tấm bia được dựng trong đợt đại trùng tu chùa Côn Sơn do nhà sư Mai Trí Bản (trụ trì chùa Côn Sơn) chủ trì.[33]

Ngày 15 tháng 2 năm 1965 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Côn Sơn đã đọc bia “Côn Sơn tư phúc tự bi”. Ông đã dịch và giảng giải cho những người cùng đi trong đoàn và người dân hiểu về nội dung của tấm bia. Bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bia chùa Côn Sơn được in trong nhiều sách báo.[32][35]

Hiện nay bia được đặt trong nhà bia hai tầng chồng diêm tám mái, ở phía trái sân chùa (từ cổng vào).[36]

Hình thức

Tấm bia bằng đá xanh hình lục lăng, 6 mái, chóp mái nhọn. Các hoạ tiết trang trí trên bia được chạm khắc tinh xảo. Năm trên sáu mặt bia có chạm hình rồng mây. Hình ảnh những con rồng mang đặc trưng phong cách thời Mạc với thân dài, mảnh, uốn lưng ngựa, mặt quỷ, sừng trâu. Chữ trên bia thể hiện theo lối chân thư, sáu chữ tiêu đề bia được chạm to trên trán, mỗi mặt một chữ trong ô tròn.[32] Mỗi mặt bia có 68 dòng, mỗi dòng có 15 đến 30 chữ; trán bia. Diềm bia chạm hình dây leo cách điệu, sát chân bia có chạm hình cánh sen cách điệu.[35]

Cụ thể đồ án trang trí ở từng mặt bia như sau[32]:

  • Mặt thứ nhất khắc chữ “Côn” (崑): trán bia trang trí lưỡng long chầu nhật. Hai bên trang trí hoa văn kiểu hoa thị. Ngoài cùng chạm hình hoa sen với hai chiếc lá mềm mại bay lên phía trước.
  • Mặt thứ hai khắc chữ “Sơn” (山): trán bia trang trí một con rồng trong tư thế đang di chuyển theo phương nằm ngang. Hai bên chạm nửa bông cúc mãn khai, bao quanh bông cúc là những vân xoắn.
  • Mặt thứ ba khắc chữ “Tư” (資): chạm khắc tương tự mặt thứ hai nhưng con rồng được tạc trong tư thế uốn thân theo khung hình chữ nhật, đầu rồng đối diện với phần đuôi dựng đứng. Ô chính giữa của đường diềm hai bên đều tạc nửa bông cúc mãn khai. Hai bên trang trí hình lá mềm mại, đối xứng nhau.
  • Mặt thứ tư khắc chữ “Phúc” (福): trán bia chạm khắc đôi phượng chầu mặt trời, phía trên và dưới mặt trời chạm kín vân mây. Hai bên chạm bông hoa cúc được bao quanh bởi bốn chiếc lá mềm mại.
  • Mặt thứ năm khắc chữ “Tự” (寺): trán bia trang trí hình rồng trong tư thế uốn lượn, đầu quay ngược lại phía sau. Điểm xuyết quanh rồng là hệ thống vân mây cụm và mây 3 dải. Chính giữa mặt bia, hai bên chạm đôi chim trong tư thế quy chầu, ngoài cùng trang trí nửa bông cúc mãn khai.
  • Mặt thứ sáu khắc chữ “Bi” (碑): trán bia chạm khắc hình tượng rồng. Khác với rồng của các mặt trước, rồng được chạm với mặt nhìn chính diện, thân uốn lượn bao quanh khuôn mặt. Hai bên trang trí nửa bông sen, bao bọc quanh hoa sen là những vân dấu hỏi.

Nội dung

Năm 1986 theo khảo sát của Viện nghiên cứu Hán Nôm thì các bản rập văn bia lưu trữ tại Viện có chỗ mờ và thiếu nét nhưng toàn bộ chữ trên bia tại chùa thì vẫn còn rõ nét.[35] Đến nay tuy một số chữ trên bia đã mờ, mất, nhưng vẫn xác định được nội dung ghi chép. Nội dung bia Côn Sơn tư phúc tự bi ghi chép về đợt trùng tu chùa Côn Sơn năm 1607 do thiền sư trụ trì chùa Côn Sơn Mai Trí Bản khởi xướng cùng các quý tộc, quan lại, thiện nam, tín nữ các nơi hưng công xây dựng chùa. Những nội dung này được chạm khắc cụ thể ở 6 mặt của tấm bia.[32]

Cụ thể nội dung ở từng mặt bia như sau[35]:

  • Mặt thứ nhất, chữ “Côn”: cho biết chùa Tư Phúc ở Côn Sơn có quy mô từ thời Trần. Là nơi trụ trì của Huyền Quang - Ma Hán tôn giả, vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần. Sư trụ trì chùa đương thời là Mai Trí Bản, tự Huệ Pháp, hiệu Pháp Nhẫn đứng ra lo liệu việc trùng tu; lại có các đệ tử đi khuyến giáo các quan viên, chức sắc, cung tần, thể nữ, cùng thiện nam, tín nữ các nơi góp đủ tiền mua được một số ruộng hưng công xây dựng nhà thiêu hương, tiền đường, hậu đường, hai bên hành lang, cửa tam quan… tu sửa lại thượng điện, tô lại tượng Phật, san khắc sách kinh.
  • Mặt thứ hai, chữ “Sơn”: ghi tên các hội chủ và tín thí quê ở các huyện thuộc phủ Khoái Châu
  • Mặt thứ ba, chữ “Tư”: ghi riêng các tín thí ở làng Chi Ngại (phường Cộng Hòa, Chí Linh ngày nay)
  • Mặt thứ tư, chữ “Phúc”: ghi tên 4 nhà sư có tiếng khác đã giúp sức vào việc sửa chữ Côn Sơn là: Thiên sư Đạo Phái; Hòa thượng Trần Đạo An, tự Định Hương người xã Từ Quán, huyện Gia Thủy, phủ Thiên Trường trụ trì ở chùa Tịnh Quang, Từ Sơn; Hòa thượng Nguyễn Quỳnh Cư tự Huệ Quang trụ trì ở chùa Hoa Yên núi Yên Tử; Hòa thượng Vũ Văn Thông tự Huệ Hải hiệu Linh Không, trụ trì ở chùa Vĩnh Nghiêm, từng giữ chức Tăng chính trong Tăng hội; tên một số tăng người và tín thí khác… Cuối bia ghi vị trí 80 mẫu ruộng của nhà chùa.
  • Mặt thứ năm, chữ “Tự”: ghi riêng họ tên của sư Mai Trí Bản quê ở xã Mai Đồ, huyện Quế Dương (tức Quế Võ, Bắc Ninh ngày nay) cùng môn đệ như Tì khưu Mai Ngọc Liên... tất cả hơn 30 người đã tham gia công việc trùng tu chùa Côn Sơn.
  • Mặt thứ sáu, chữ “Bi”: khắc bài minh gồm 32 câu, mỗi câu 4 chữ

Phiên âm bài minh (nửa đầu):

Thiên khai Nam quốc,Địa lịch Bắc Kinh[lower-alpha 4].Tráng tai huyện Phượng,Hảo ta động Thanh!Vi tam thiên giới,Khoa đệ nhất hình.An cao Đông trụ,Bình nhiễu Tây thành.Đinh sơn hậu trấn,Hà thủy tiền nghênh.Cảnh quang long cứ,Nhật noãn hạc minh.Châu đình bí vũ,Diệu tướng Kim tinh.Lâu dài nguyệt sắc,Chung cổ phong thanh.

Bản dịch[lower-alpha 5]:

Trời mở nước Nam,Đất xây Kinh Bắc.Lớn thay huyện Phượng,Đẹp thay động Thanh.Ba nghìn thế giới,Khoe bậc nhất hình.Yên Tử dựng trụ,Bình Than ôm thành.Núi sau trấn giữ,Sông trước đón nghênh.Hạc ca trời ấm,Rồng cuộn đất lành.Sân chùa châu ngọc,Tượng Phật minh vàng.Lâu đài trăng sáng,Chuông trống gió vang.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chùa Côn Sơn http://nomfoundation.org/nom-project/history-of-gr... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Con-Son-Kiep-Bac... http://baochinhphu.vn/Van-hoa/Sap-khai-hoi-Con-Son... http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinh... http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinh... http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/243803/dac-sa... http://cand.com.vn/Tieu-diem-van-hoa/Bao-vat-quoc-... http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/hai-den-tho-dan...